Người xưa thường nói Thân gắn liền với tâm, thân bệnh liên quan đến tâm bệnh, tâm an thì thân thể cũng được cân bằng, sung mãn. Thân và Tâm kết nối với nhau ở nhiều phương diện, chúng ta có thể quan sát được sự kết nối này ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể. Ở các trường phái thiền, người ta thường thông qua việc quán sát hơi thở của thân thể, để hiểu được trạng thái của tâm. Còn trong Y học cổ đại, cột sống là nơi điều phối ảnh hưởng đến toàn bộ nguồn sống của cơ thể, khi cột sống bị bệnh sẽ sinh ra các vấn đề về tâm thức.
Chính vì vậy trong hành trình hoàn thiện những nền tảng cơ bản đời người như Sự thịnh vượng, Sức khỏe, Hạnh phúc, thì việc chăm lo cho thân là một trong những điều tất yếu bạn cần thực hiện thường xuyên. Từ đó góp phần tác động đến sự quân bình trạng thái của tâm.
Vậy bạn có biết trụ cột cơ thể cần chăm lo ở đây là bộ phận nào chưa?
Tầm quan trọng của Cột sống
Từ thực tiễn, nền y học thế giới qua nhiều ngàn năm đã đúc rút nhiều kết luận liên quan đến câu hỏi này. Danh ngôn Hy Lạp có câu “cột sống là cây đời”. Y khoa hiện đại có bác sĩ người Pháp Dr de Sambucy qua nhiều nghiên cứu và thực tiễn trị liệu không dùng thuốc đã kết luận rằng “Cột sống là chìa khóa của sự sống, là điểm tựa của toàn bộ cơ thể. Chính từ đó mà dây thần kinh giao cảm đi ra để chỉ huy mọi cơ quan nội tạng” để lại nhiều ứng dụng trong chữa trị giúp ích cho hàng triệu bệnh nhân.
Ở Việt Nam, Giáo sư, bác sỹ Đỗ Xuân Hợp cũng đã phát biểu “Não và tủy sống là hệ thần kinh, điều tiết tất cả mọi hoạt động của cơ thể. Một mặt nó làm cho các bộ phận trong cơ thể thống nhất với nhau. Một mặt nó làm cho cơ thể thống nhất với ngoại cảnh, thiên nhiên và xã hội, chỗ mà cơ thể con người dựa vào đó mà sống”
Trong cơ thể con người, cột sống chính là phần trụ cột để nâng đỡ toàn bộ cơ thể. Các đốt xương trên cột sống kết hợp với dây chằng cùng với đĩa đệm tạo thành một ống sống giúp bảo vệ tủy sống bên trong. Nó giữ cho cơ thể đứng thẳng và kết nối các bộ phận khác của bộ xương lại với nhau: đầu, ngực, xương chậu, vai, cánh tay và chân. Vì vậy có thể nói cột sống là bộ phận trung gian trong giao tiếp hệ thần kinh trung ương và các bộ phận còn lại của cơ thể.
Cấu tạo và chức năng của cột sống
Cột sống thường bao gồm các đĩa đệm, đốt sống, hệ thống dây thần kinh, tủy sống, hệ thống cơ bắp – dây chằng – gân. Trong đó, cấu tạo và đặc điểm của mỗi một bộ phận như sau:
Đốt sống
Đốt sống của con người gồm 33 xương riêng lẻ. Những đốt xương này đan xen với nhau và tạo nên cột sống. Các đốt sống này được chia làm nhiều khu vực và được đánh theo từng số. Theo đó, những khu vực của đốt sống đó là xương đuôi, xương cùng, vùng thắt lưng, ngực, đốt sống cổ.
- Đốt sống cổ: Đốt sống cổ nằm ở trên cùng của cột sống. Thông thường, cột sống cổ gồm có 7 đốt sống và được đánh các số từ C1 đến C7 theo thứ tự từ trên xuống dưới. Những đốt sống này có chức năng và nhiệm vụ bảo vệ tủy sống và thân não, giúp hỗ trợ hộp sọ và tạo ra sự chuyển động tại vùng cổ, đầu.
- Đốt sống ngực: Đốt sống ngực gồm có 12 đốt và được ký hiệu từ T1 đến T12. So với các đốt sống ở cổ thì đốt sống ngực thường to hơn và khỏe hơn. Chúng có nhiệm vụ giúp cho lồng ngực được ổn định và bảo vệ được một số bộ phận của cơ thể.
- Đốt sống thắt lưng: Theo hướng từ trên xuống dưới thì cấu tạo nên đốt sống thắt lưng gồm có 5 đốt và được đánh theo các số từ L1 đến L5. Cột sống thắt lưng chính là nơi kết nối giữa xương chậu và cột sống ngực. Có thể nói, đốt sống lưng chính là đốt sống lớn nhất, chịu áp lực nhất từ trọng lượng cơ thể, chính vì thế nên dễ bị thoái hóa cột sống ở vị trí này. Những đốt sống tại vùng thắt lưng sẽ giúp người bệnh hỗ trợ chuyển động như di chuyển, uốn cong vùng thắt lưng. Mặc dù vậy, đốt sống thắt lưng sẽ không thể xoay chuyển linh hoạt bằng đốt sống cổ.
- Xương cùng: Xương cùng nằm ở dưới đốt sống của thắt lưng cuối cùng (Đốt sống L5). Cấu tạo nên xương cùng gồm có 5 đốt xương và được đánh theo số từ S1 đến S5. Những đốt xương cùng này hợp nhất thành một hình tam giác.
- Xương đuôi: Xương đuôi gồm có 5 đốt xương bổ sung và hợp nhất với nhau. Xương đuôi có tác dụng hỗ trợ gắn kết cho cơ bắp sàn chậu và dây chằng.
- Xương chậu và sọ: 2 bộ phận này không nằm trong cấu tạo của cột sống. Mặc dù vậy, chúng lại có sự liên quan tới cột sống cũng như hỗ trợ thực hiện chức năng của vùng cột sống.
Đĩa đệm
Đĩa đệm chính là những miếng đệm phẳng, tròn nằm tại giữa các đốt sống. Chúng có tác dụng làm giảm sự áp lực lên khớp xương. Cấu tạo của đĩa đệm bao gồm các phần như sau:
- Nhân nhầy: Nhân nhầy chính là một bao hoạt dịch, không có màu và trong suốt. Tính ngậm nước của nhân nhầy khá cao. Một khi có lực tác động, nhân nhầy sẽ bị thoát ra bên ngoài. Khi ấy, đĩa đệm xẹp xuống sẽ giúp lực tác động vào khớp được phân tán lực, đồng thời còn giúp bảo vệ được cột sống.
- Bao xơ: Bao xơ chính là phần bao bọc ở bên ngoài. Lớp bao xơ có chức năng giúp bảo vệ phần nhân nhầy.
- Tấm sụn tận cùng: Tấm sụn có tác dụng bảo vệ đốt sống và sụn, đồng thời còn hạn chế nguy cơ bị nhiễm khuẩn.
Hệ thần kinh và tủy sống
Tủy sống ở một người bình thường có độ dày bằng ngón tay cái, độ dài khoảng 18 inch. Tủy sống được xuất phát từ não cho đến vùng đốt sống thắt lưng và được các đốt sống bảo vệ. Tủy sống có chức năng truyền thông tin từ não đến những bộ phận khác của cơ thể, giúp kiểm soát chuyển động cũng như chức năng của cơ quan.
Một khi tủy sống bị thương tổn, chức năng vận động của cơ thể sẽ dần bị đánh mất. Nếu như bạn bị chấn thương tại vùng thắt lưng hoặc vùng ngực thì vùng thân và chân sẽ đánh mất đi cảm giác cũng như khả năng vận động. Trong đó, những chấn thương tác động lên vùng cổ sẽ khiến cho vùng chân và cánh tay của người bệnh bị đánh mất cảm giác.
Cơ bắp, gân và dây chằng
Hệ thống cơ bắp tại vùng xương sống thường khá phức tạp. Theo đó, hệ thống cơ có ở xương sống sẽ giúp phần xương sống được ổn định, đồng thời còn giúp hỗ trợ cho quá trình xoay, uốn hay mở rộng tại vùng cột sống.
Gân và dây chằng là những dải sợi ở mô liên kết khi gắn vào với xương. Dây chằng có nhiệm vụ kết nối các xương lại với nhau và giúp cho khớp được ổn định. Gân khi gắn các cơ vào trong xương với nhiều kích thước khác nhau, đồng thời giúp cho chuyển động các khớp được cải thiện.
Chức năng của Cột sống:
Bảo vệ phần tủy sống cũng như cấu trúc ở xung quanh
Đây là chức năng quan trọng nhất của cột sống. Các đốt sống được hoạt động giống như một màng giúp bảo vệ cấu trúc của cơ thể. Trong đó phải kể đến như tủy sống, các nội tạng ở bên trong, hệ thống các dây thần kinh. Tủy sống có nhiệm vụ chuyển phần thông điệp từ não xuống dưới các bộ phận của cơ thể và điều khiển các hoạt động của con người.
Nếu như đốt sống bị rời ra khỏi vị trí ban đầu thì sẽ khiến cho hệ thống các dây thần kinh phải gánh chịu áp lực lớn. Tình trạng này sẽ khiến cho chức năng bị rối loạn và gây ra những cơn đau nhức và một số triệu chứng khác.
Cột sống chịu trọng lượng toàn thân, phần đầu và 2 cánh tay, giúp cung cấp, hỗ trợ cấu trúc, duy trì tư thế thẳng đứng. Nếu như không có xương tại vùng cột sống, bạn sẽ không thể đứng lên theo chiều thẳng đứng. Hệ thống các đốt sống tại cột sống sẽ giúp cho cơ thể bạn luôn ở trạng thái cân bằng.
Dưới sự điều khiển của hệ thần kinh trung ương, cột sống giúp chúng ta di chuyển theo nhiều hướng khác nhau. Cột sống giúp cho bạn thực hiện các thao tác như xoay người, xoắn người, cong người. Nếu không có cột sống thì cơ thể của bạn sẽ không thể chuyển động một cách linh hoạt, dễ dàng. Khi chúng ta đi bộ, cột sống giúp giảm xóc và bảo vệ các xương riêng lẻ bên trong khỏi va chạm và bị gãy.
9 Sự thật thú vị về cột sống
Cột sống hoạt động độc lập với não
Bộ não của bạn được kết nối với tủy sống. Tuy nhiên, tủy sống không nhận tất cả các lệnh từ não. Theo một số nghiên cứu, các đốt xương có thể hoạt động hoàn toàn độc lập, qua đó, tuỷ sống sẽ gửi tín hiệu trực tiếp đến cơ mà không cần thông qua não.
Hút thuốc lá ảnh hưởng đến cột sống, gia tăng các cơn đau lưng
Các nghiên cứu cho thấy những người hút thuốc có nguy cơ bị đau lưng cao hơn so với những người còn lại. Lượng Nicotine trong thuốc lá làm giảm lưu lượng máu, từ đó làm chậm quá trình chữa lành chấn thương và làm sức mạnh của xương suy giảm. Đây cũng chính là lý do mà bạn nên bỏ thuốc lá.
Thói quen dùng điện thoại
Tư thế ngồi cuối đầu dùng điện thoại gây ra áp lực lớn lên cổ, càng cuối đầu về trước khi dùng điện thoại bạn càng tạo một lực lớn trên các đốt sống cổ, lâu dần hình thành nên các tổn thương sinh ra gai cột sống và quá trình thoái hóa đốt sống cổ diễn ra sớm hơn
Tủy sống của bạn có thể lưu trữ ký ức về cơn đau
Một sự thật thú vị về cột sống là khi bạn bị đau dữ dội, chẳng hạn như đập tay vào cửa, thì không chỉ bộ não của bạn sẽ ghi nhớ nó mà cả cơ thể của bạn cũng vậy. Các tế bào thần kinh trong tủy sống sẽ mang tín hiệu đau đến các dây thần kinh ở bàn tay bị thương trong vài ngày. Do đó, bàn tay của bạn sẽ cảm thấy nhạy cảm hơn, đến mức chỉ cần một cái chạm nhẹ cũng sẽ kích thích và có phản ứng khó chịu.
Chúng ta mất một vài đốt sống khi già đi
Khi mới sinh ra đời, cột sống của chúng ta có 32 – 34 đốt sống, nhưng hầu hết khi về già chỉ còn 26 đốt sống. Lý giải cho điều này, trong giai đoạn trưởng thành, một số đốt sống hợp nhất với nhau và tạo thành xương cùng (mặt sau của xương chậu) và xương cụt. Do đó, đừng quá ngạc nhiên khi về già, chúng ta sẽ mất đi một vài đốt sống.
Bạn cao hơn vào buổi sáng và khi ở trong không gian
Các phi hành gia trở về từ không gian cao hơn 3% so với trước khi khởi hành. Nhờ môi trường không trọng lực, đĩa sụn sẽ nở ra hơn.
Ngoài ra, vào buổi sáng, bạn cũng sẽ cao hơn do cột sống trải qua 8 giờ không chịu tác động của trọng lực (thời gian ngủ). Sau một ngày dài hoạt động, sức nặng của cơ thể tạo lực nén lên đĩa đệm. Do đó, ban đêm là thời gian để chúng được thư giãn, từ đó gây ra hiện tượng bạn có chiều cao nhỉnh hơn vào sáng sớm.
Khi ngồi bạn cũng đang tạo áp lực lớn lên cột sống
Các tư thế ngồi khác nhau sẽ tạo nên các lực khác nhau lên cột sống, càng ngồi nghiêng về trước cột sống càng chịu tác động lực nặng hơn. Tư thế ngồi nghiêng ra sau một góc 110 độ sẽ giảm áp lực lên cột sống nhiều hơn với tư thế thẳng lưng 90 độ
Cột sống có thể chịu sức nặng lớn
Cột sống rất khỏe và bền bỉ. Trong thực tế, nó có thể chịu được hàng trăm ký áp suất. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cần một lực lớn hơn 3.000 Newton để làm gãy cột sống cổ, tương đương với lực gây ra khi một chiếc xe hơi nặng hơn 200kg tông sầm vào tường với vận tốc 48km/h.
Phần đốt sống đầu tiên của cổ được gọi là Atlas
Đốt sống trên cùng của cổ (phần duy nhất không có thân đốt sống) được gọi là Atlas. Điều này xuất phát từ Atlas thần thoại Hy Lạp, người đã nâng đỡ cả bầu trời, (giống như gánh trọng lượng của đầu).
1 thought on “Vì sao nói Cột sống là trụ cột sự sống”